thầy Tạ Cao Minh cùng 13 bằng sáng chế tại Nhật Bản

03 22 2013

Không được nhiều người biết đến như cô em gái Tạ Bích Loan qua chương trình Người đương thời (VTV3), Tiến sĩ Tạ Cao Minh là một nhà nghiên cứu thầm lặng nhưng có những phát minh quan trọng ảnh hưởng đến xu thế phát triển ngành công nghiệp ô-tô của Nhật Bản. Anh đã có 13 bằng sáng chế khoa học.

<TS Tạ Cao Minh trong một bài giới thiệu về xe lăn điện PET - một sản phẩm nghiên cứu khoa học nhận được nhiều giải thưởng trong nước>

Trước khi đến Công ty NSK - nơi anh cho ra đời hầu hết những phát minh quan trọng của mình - Tiến sĩ Tạ Cao Minh đã trải qua một cuộc phiêu lưu kéo dài ba năm tại Đại học Kyushu và ĐH Tokyo sau khi hoàn thành luận án thạc sĩ và tiến sĩ tại Canada. Những ngày tháng trẻ trung nhất của anh trôi qua tại đất nước Tiệp Khắc, nơi anh đã tốt nghiệp xuất sắc với tấm bằng đỏ vào năm 1986.

 Anh là một tấm gương sáng về sự say mê nghiêm túc trong học tập, nghiên cứu và óc sáng tạo của người Việt Nam trên đất Nhật Bản.


Tiến sĩ Tạ Cao Minh - Giảng viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội - vừa đăng ký thêm bằng phát minh sáng chế với đề tài "Điều khiển động cơ điện không chổi than và hệ thống trợ lái ô-tô" tại Nhật Bản, nâng tổng số đăng ký bằng sáng chế khoa học của anh lên con số 13.


Đây là những phát minh rất quan trọng trong lĩnh vực sản xuất hệ thống trợ lái vô-lăng ô-tô. Công ty mà anh đang cộng tác hiện nay - NSK Steering Systems - đã phải tăng số lượng nhân viên lên gấp đôi để kịp chế tạo và bán sản phẩm cho các Công ty sản xuất xe hơi khác khi ứng dụng công nghệ này vào sản xuất.

Công ty NSK là công ty sản xuất vòng bi lớn thứ hai trên thế giới. Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, công ty này bắt đầu tấn công vào thị trường phụ tùng cho xe ô tô, đặc biệt là các hệ thống trợ lái vô-lăng tiên tiến sử dụng động cơ điện.


Được biết hai hãng xe hơi Renault và Nissan vừa ký hợp đồng mua các sản phẩm tương lai này. Các nhà khoa học Nhật Bản dự báo công nghệ điều khiển vô-lăng do Tiến sĩ Minh sáng chế sẽ dẫn đầu trong nền công nghiệp ô-tô thế hệ mới, thay thế cho việc trợ lái vô-lăng bằng hệ thống thủy lực và động cơ điện một chiều xưa nay.


Trước khi đến Công ty NSK (4-2001), Tiến sĩ Tạ Cao Minh đã hoàn thành xuất sắc việc nghiên cứu của mình tại các trường ĐH Kyushu (4-1998 đến 3-1999) với đề tài hóc búa: Điều khiển thang máy không dây dùng cho các tòa nhà chọc trời (cùng với giáo sư Yoshida - một người nổi tiếng với đề tài Marine Express mà thoạt nghe cứ như chuyện viễn tưởng: Thiết kế hệ thống tàu điện có thể chạy dưới nước và trên cạn, nhằm phục vụ việc đưa người và hàng hóa từ đất liền lên đảo). Hệ thống được ví như một động cơ điện khổng lồ, nhưng phần động lại dịch chuyển tịnh tiến chứ không quay tròn như động cơ thường. Đây cũng chính là công nghệ được ứng dụng trong việc chế tạo tàu từ trường mà Nhật Bản vừa thành công với tàu siêu cao tốc 500km/h. 


Mô hình thang máy không dây cao 4m được xây dựng tại ĐH Kyushu nhiều năm trước khi Tiến sĩ Minh đến đây, nhưng chưa ai thành công trong việc điều khiển cả. Rồi một ngày tháng 10-1998, sau nhiều tháng miệt mài nghiên cứu, niềm hạnh phúc vô bờ đến với anh khi cái thang máy không dây nằm yên bất động bao năm đã chuyển động trong sự thán phục của mọi người.


Tại ĐH Tokyo (4-1999 đến 3-2001), anh đã hoàn thành xuất sắc đề tài nghiên cứu Điều khiển động cơ không đồng bộ ứng dụng cho ô-tô điện. 


Tiến sĩ Minh say sưa kể: "Động cơ điện có nhiều loại, nhưng động cơ không đồng bộ là thông dụng nhất, nó thường được sử dụng ở các trạm bơm, quạt gió hoặc trong các nhà máy. Động cơ loại này có ưu điểm là giá rẻ nhưng lại khó điều khiển và hiệu suất thấp. Đề tài của mình là làm sao nâng cao hiệu suất của động cơ, vì nếu thành công thì sẽ tăng được thời gian chạy của ô-tô điện ứng với mỗi lần nạp ắc-quy". 


Giải pháp sử dụng đoạn thẳng vàng (Golden Sections) của anh đã được đánh giá cao khi trình bày ở hội nghị quốc tế tại Rome năm 2000 và được trao giải nhì của Ban Truyền động điện công nghiệp thuộc Hiệp hội Kỹ sư điện - Điện tử Hoa Kỳ (IEEE). 


Thành công này giúp các động cơ có kích thước nhỏ hơn các động cơ truyền thống nhưng có công suất và hiệu suất rất cao. Chính nhờ những thành quả nghiên cứu ở đây mà giới công nghiệp Nhật Bản đã đến tận ĐH Tokyo mời anh tham gia việc nghiên cứu và phát triển công nghệ. Và họ đã không phải thất vọng vì đã tìm đúng người cần tìm.


Tiến sĩ Tạ Cao Minh cho biết anh sắp trở về Việt Nam, với mong muốn trở lại giảng đường trong thời gian sớm nhất. Anh cũng hy vọng sẽ có cơ hội đóng góp những kiến thức và kinh nghiệm của mình cho sự phát triển của nền công nghiệp ô-tô còn non trẻ tại Việt Nam, đặc biệt là việc nghiên cứu và chế tạo ô-tô điện.

Thành công như vậy mà anh vẫn còn... ước gì một ngày có 48 giờ để thực hiện hết các ý tưởng của mình. Người viết bài này tin rằng số bằng sáng chế sẽ không dừng lại ở con số 13.


- Theo Tiền Phong - ND - 05

update:

Hiện tại thì thầy đã trở lại Việt Nam và tiếp tục công tác giảng dạy tại bộ môn Tự động hóa - Viện Điện, ĐHBK Hà Nội, đồng thời công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Sáng tạo Công nghệ (Center for Technology Innovation – CTI)

 

 

<kỷ niệm chương do công ty NSK (Nhật Bản) tặng thầy Tạ Cao Minh vì 2 bằng sáng chế của thầy đã phát huy hiệu quả rất tốt trong sản phẩm thương mại của công ty

 

nguồn ảnh: Bảo Huy - bka.vn>