Quy trình nạp Ắc quy Lithium-Ion

Quy trình nạp Ắc quy Lithium-Ion

Abstract: Ắc quy Lithium-ion là loại ắc quy được sử dụng rất nhiều trong các thiết bị như điện thoại di động, máy tính xách tay, xe điện, … Khác với ắc quy acid chì, ắc quy Li-ion đắt tiền hơn nhưng bù lại, nó có tuổi thọ dài hơn, khối lượng nhẹ hơn, thể tích nhỏ hơn và cho phép nạp với tốc độ nhanh hơn rất nhiều. Do bản chất hóa học đặc biệt nên ắc quy Li-ion có quy trình sạc riêng, không giống các loại ắc quy khác. Bài báo này sẽ đi sâu phân tích quy trình sạc và các vấn đề cần lưu ý khi sạc ắc quy Li-ion

1. Tổng quan về quá trình nạp ắc quy Lithium-ion
Hình 1 mô tả 2 giai đoạn sạc ắc quy Lithium-ion tiêu chuẩn gồm: Sạc ổn dòng, sạc ổn áp. Trong quá trình sạc ổn dòng, dòng điện được giữ không đổi, thông thường bằng C/2-C (trong đó, C là dung lượng [Ah] của ắc quy). Dòng điện sạc càng lớn, quá trình sạc ổn dòng càng ngắn nhưng quá trình sạc ổn áp sẽ càng dài; tuy vậy, tổng thời gian sạc cả 2 giai đoạn thường không quá 3h. Đồng thời, dòng điện lớn sẽ làm tăng nhiệt độ ắc quy. Trong quá trình sạc cần theo dõi nhiệt độ sát sao vì nhiệt độ quá cao sẽ có thể làm cho ắc quy bốc cháy hoặc phát nổ. Thông thường, nhiệt độ không nên vượt quá 450C. Một số ắc quy Li-ion sử dụng công nghệ Lithium-Ferro-Phophat (LiFePO4) có thể đẩy nhiệt độ khi sạc lên đến 600C. Một số bộ sạc nhanh (quick charge) chỉ thực hiện bơm dòng ổn định vào ắc quy (sạc ổn dòng) do đó, giới hạn về nhiệt độ lớn hơn đồng nghĩa với việc dòng điện sạc lớn hơn hay thời gian sạc nhanh sẽ ngắn hơn.

Hình 1. Quy trình sạc ắc quy Li-ion

Trong quá trình sạc ổn dòng, điện áp trên 2 đầu cực ắc quy tăng dần. Khi điện áp đạt bằng sức điện động của ắc quy lúc đầy, bộ sạc kết thúc quá trình sạc ổn dòng và chuyển sạc chế độ sạc ổn áp. Toàn bộ thời gian sạc ổn dòng thường kéo dài tối đa khoảng 1h (tùy thuộc vào dung lượng còn lại ban đầu của ắc quy). Kết thúc quá trình sạc ổn dòng, dung lượng ắc quy đã phục hồi được khoảng 70%. Trong nhiều trường hợp (quick-charge) người ta có thể đem sử dụng ngay (phương pháp “charge-and-run”). Điều này mặc dù làm giảm bớt thời gian sạc đồng thời làm cho thiết kế của bộ sạc đơn giản hơn rất nhiều nhưng mặt khác sẽ làm giảm tuổi thọ ắc quy. Để đảm bảo tuổi thọ của ắc quy theo đúng thông số nhà sản xuất đưa ra, người ta thường phải tiến hành cả giai đoạn sạc ổn áp - thường mất thời gian hơn rất nhiều so với giai đoạn sạc ổn dòng.
Trong chế độ sạc ổn áp, điện áp sạc thường được giữ không đổi bằng 4,2V/cell. Do dung lượng của ắc quy phục hồi dần, sức điện động của nó tăng lên làm cho dòng điện giảm dần. Khi dòng điện giảm về nhỏ hơn 3%C, chế độ sạc ổn áp kết thúc. Lúc này, dung lượng ắc quy đạt khoảng 99%.
Khác với ắc quy acid-chì, ắc quy Li-ion không cần và không được phép duy trì áp sạc sau khi ắc quy đã đầy (dòng điện sạc giảm nhỏ hơn 3%C) vì tính chất của ắc quy Lithium-ion không cho phép over-charge; nếu vẫn cố over-charge có thể sẽ làm nóng ắc quy và gây ra nổ. Ngoài ra, theo các chuyên gia, không nên sạc ắc quy Li-ion vượt quá 100% dung lượng vì như vậy sẽ làm giảm tuổi thọ của ắc quy. Vấn đề này sẽ được làm rõ ở phần tiếp theo.
Nếu ắc quy được sạc đầy, sau khi ngừng sạc, điện áp hở mạch của ắc quy sẽ giảm dần về mức ổn định khoảng 3,6 - 3,9V/cell. Trái lại, nếu chỉ sạc nhanh (sạc ổn dòng) thì sau khi ngừng sạc, áp ắc quy sẽ giảm sâu hơn về khoảng 3,3 - 3,5V.
Do ắc quy Lithium-ion cũng có tính chất tự phóng điện khi không sử dụng (self-discharge) nên trong một số trường hợp, để điền đầy ắc quy, ngoài việc sử dụng quá trình ổn dòng, ổn áp, người ta thường kết hợp thêm kỹ thuật sạc xung ngắn. Chẳng hạn, khi áp ắc quy đạt 4,2V/cell, quá trình sạc sẽ dừng ngay. Lúc này, điện áp pin sẽ giảm dần; khi điện áp ắc quy giảm còn 4,05V/cell hệ thống sạc lại tiếp tục đóng áp sạc 4,2V/cell vào để tiếp tục quá trình sạc áp. Việc đóng cắt như vậy sẽ được diễn ra liên tục. Nhờ vậy, điện áp ắc quy được giữ ổn định trong khoảng 4,05 – 4,2V/cell, do đó, làm ắc quy được nạp sâu hơn, tránh được hiện tượng over-charging và kéo dài tuổi thọ ắc quy.

2. Vấn đề Over-charging ắc quy Lithium-ion
Thông thường, ắc quy Li-ion chỉ nên hoạt động (sạc/xả) ở vùng điện áp được thiết kế (dưới 4,2V/cell). Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi ắc quy đã đầy mà vẫn bơm dòng điện vào, điện áp ắc quy sẽ dâng lên cao hơn 4,3V. Lúc này, ắc quy gọi là bị over-charging.
Khi ở điện áp ắc quy nằm ngoài vùng làm việc an toàn (trên 4,2V/cell hoặc dưới 2,5V/cell) hoạt động của nó trở nên không ổn định. Các lớp Lithium Metallic sẽ hình thành trên cực dương trong khi cực âm sẽ bị oxi hóa mạnh làm giảm tính ổn định và sản sinh ra khí CO2 bên trong ắc quy làm áp suất trên trong ắc quy sẽ tăng lên. Thông thường, để an toàn, bộ sạc cần phải ngừng sạc ngay khi áp suất trong cell đạt 200psi.
Nếu bộ sạc không có chức năng theo dõi và bảo vệ áp suất lớn, do khí CO2 không ngừng sinh ra, áp suất ắc quy sẽ tiếp tục tăng, đồng thời nhiệt độ ắc quy cũng tăng nhanh. Khi áp suất đạt khoảng 500psi, lúc này nhiệt độ ắc quy đạt khoảng 1300C - 1500C, lớp màng an toàn ngăn cách các cell sẽ bị đánh thủng và ắc quy sẽ bắt đầu bốc cháy thậm chí gây nổ.
Vì vậy, trong quá trình sạc, cần tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu về nhiệt độ và điện áp trên các cell.

Hình 2. Các vùng làm việc của ắc quy

3. Sạc ắc quy Li-ion bị over-discharge
Ắc quy Li-ion nói chung không nên và không được phép xả quá sâu (over-discharge). Khi điện áp pin giảm xuống dưới 3,0V/cell, tốt nhất nên cắt ắc quy khỏi mạch. Nếu để điện áp ắc quy giảm xuống dưới 2,7V/cell hệ thống mạch bảo vệ của bản thân ắc quy sẽ tự động chuyển ắc quy sang chế độ sleep. Lúc này, ắc quy không thể sạc lại được theo cách thông thường mà cần phải sử dụng chu trình sạc 4 giai đoạn theo sơ đồ hình 2.
Trong chu trình sạc 4 giai đoạn, ngoài 2 giai đoạn sạc ổn dòng, ổn áp giống như quy trình sạc ắc quy Li-ion thường, 2 giai đoạn Pre-charge và Activation được thêm vào để khôi phục lại hoạt động của ắc quy.
Trước tiên, trong giai đoạn Pre-charge, ắc quy sẽ được bơm vào một dòng điện nhỏ (5-15%C) sau đó điện áp ắc quy được giám sát. Nếu sau một khoảng thời gian xác định (testing time), điện áp ắc quy không tăng hoặc tăng quá chậm thì ắc quy coi như không thể phục hồi được nữa. Trái lại nếu điện áp tăng lên trên 2,8V khi đó ắc quy gọi là còn tốt và có thể tiếp tục sạc được. Lúc này, bộ sạc chuyển sang sạc ắc quy trong chế độ Activation để kích hoạt trở lại hoạt động của ắc quy.
Trong chế độ Activation, dòng điện 5-15%C tiếp tục được duy trì cho đến khi điện áp ắc quy tăng lên trên 3V. Lúc này bộ sạc lại chuyển sang hoạt động ở chế độ sạc ổn dòng và ổn áp như bình thường.
Khi các nhà sản xuất bán ắc quy, họ thường sạc sẵn ắc quy đến 40% dung lượng. Tuy nhiên, sau một thời gian, do hiện thượng tự xả (self-discharge) dung lượng ắc quy giảm dần, đồng nghĩa với việc điện áp ắc quy giảm. Vì vậy, để tránh hiện tượng over-discharge, ắc quy nên được bảo trì định kỳ bằng cách sạc lại sau khi để không dùng trong một thời gian dài.

Hình 3. Bốn giai đoạn sạc ắc quy bị Over-discharge

4. Vấn đề cân bằng cell (cell balancing)
Mỗi cell ắc quy Li-ion thường có điện áp hở mạch khoảng 3,5V (danh định). Trong các hệ thống như xe điện, để cấp điện cho động cơ truyền lực chính và các thiết bị điện khác trong xe, các cell thường được mắc song song nối tiếp cho đến khi đạt được điện áp DC-Bus khoảng 200VDC trở lên.
Những nguyên nhân như thông số các cell do nhà sản xuất cung cấp có sai số nhất định; trong quá trình hoạt động, nhiệt độ ảnh hưởng lên mỗi cell cũng không đều nhau hay ảnh hưởng của tuổi thọ khiến tính chất của các cell không đồng đều. Có cell có điện áp cao hơn một chút, có cell có điện áp thấp hơn một chút so với các cell khác, hay nói cách khác, các cell không cân bằng với nhau.
Trong quá trình sạc, cell có điện áp cao hơn sẽ đầy trước trong khi một số cell còn lại chưa đầy. Nếu vẫn tiếp tục sạc, cell đó sẽ bị overcharge khiến nhiệt độ và áp suất tăng cao (như đã phân tích ở trên) làm giảm tuổi thọ của cả ắc quy thậm chí phá hỏng cell đó. Ngược lại, trong quá trình xả, cell có điện áp thấp hơn sẽ chóng cạn hơn. Nếu vẫn tiếp tục xả sâu, cell đó sẽ bị over-discharge, làm giảm tuổi thọ ắc quy. Khi một cell bị hỏng, thông thường ta phải thay thế toàn bộ cả hệ thống ắc quy, bởi lẽ, nếu chỉ thay cell bị hỏng (có thể được trong một số trường hợp) thì cell mới đó vẫn có tính chất khác so với các cell còn lại, nghĩa là nguy cơ mất cân bằng (unbalance) vẫn có thể xảy ra.
Càng nhiều cell mắc nối tiếp, nguy cơ xảy ra mất cân bằng càng cao và độ tin cậy càng giảm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu hệ thống ắc quy được ghép nối bởi n cell, xác suất xảy ra mất cân bằng tăng lên gấp n lần so với chỉ 1 cell hoạt động độc lập.
Để hạn chế vấn đề này, có một số cách có thể xem xét. Trước tiên, người ta sẽ cố gắng chọn các cell có thông số tương đối đồng đều để ghép nối với nhau. Các cell sau đó sẽ được ghép nối song song nối tiếp với nhau thay vì chỉ ghép nối tiếp vì như vậy, dòng vòng chạy giữa các cell sẽ giúp cân bằng các cell với nhau (self-balacing). Sau đó, trong quá trình sử dụng, nhiệt độ phải được giám sát chặt chẽ để đảm bảo phân bố đều trên các cell.
Tuy vậy, để giải quyết triệt để việc mất cân bằng áp ắc quy Li-ion, trong các xe điện, hệ thống quản lý ắc quy (Battery Management System - BMS) cần giám sát chặt chẽ dung lượng của mỗi cell (State of Charge - SOC). Nếu phát hiện có sự mất cân bằng, hệ thống BMS cần thực hiện các biện pháp nhất định nhằm đưa các cell về trạng thái cân bằng với nhau. Có hai cách để thực hiện việc này là cân bằng chủ động và cân bằng thụ động.
Phương pháp cân bằng chủ động sẽ chuyển bớt năng lượng từ các cell có dung lượng cao hơn vào các cell có dung lượng thấp hơn. Phương pháp này có ưu điểm giúp hệ thống cân bằng về áp và không có tổn hao do năng lượng được luân chuyển lẫn nhau giữa các cell. Tuy nhiên, thiết kế cho mỗi cell một nguồn sạc độc lập là không thực tế. Việc cân bằng áp được thực hiện tuần tự cho một hoặc một nhóm cell. Do đó, để sạc đầy cả bộ ắc quy cần thời gian khá lớn.
Phương pháp cân bằng thụ động đơn giản hơn phương pháp cân bằng chủ động nhưng gây ra tổn hao trên điện trở. Bộ sạc cần ngắt sạc ngay khi một cell nào đó đã đầy. Sau đó, cell đã đầy sẽ được xả qua điện trở cho đến khi bằng cell thấp hơn. Sau đó, bộ sạc được tiếp tục đóng điện trở lại và chu trình lại được lặp lại cho đến khi tất cả các cell đã đầy.
Như vậy, trong quá trình sạc, ngoài việc tuân thủ đúng các quy trình sạc, bộ sạc cần phối hợp chặt chẽ với hệ thống BMS để thực hiện các kỹ thuật cell balancing nhằm điền đầy các cell, chống sự mất cân bằng giữa các cell, qua đó kéo dài tuổi thọ của cả bộ ắc quy.

Hình 4. Hệ thống cân bằng áp thụ động

5. Ảnh hưởng của nhiệt độ đến quá trình sạc ắc quy
Như đã nói ở mục trên, hoạt động nạp xả của ắc quy phụ thuộc lớn vào nhiệt độ. Nói chung, tất cả các loại ắc quy đều có thể hoạt động trong một dải nhiệt độ khá rộng. Đối với ắc quy Li-ion, dải nhiệt độ này là từ 00C - 450C trong chế độ sạc và 00C - 600C trong chế độ xả. Một số ắc quy dựa trên Lithium đời mới hơn như Lithi-Ferro - Phophat (LiFePO4) hoặc Li-Polimer cho phép mở rộng vùng nhiệt độ làm việc hơn một chút. Trong vùng này, tính chất của ắc quy hầu như ổn định, hiệu suất sử dụng năng lượng cao. Nhưng ngoài vùng nhiệt độ đó, ở những nhiệt độ rất thấp hoặc rất cao, hoạt động của ắc quy bị ảnh hưởng mạnh, các phản ứng hóa học bên trong ắc quy diễn ra chậm lại, đồng nghĩa với dòng điện do ắc quy sinh ra hoặc hấp thu sẽ giảm đi so với khi hoạt động trong
Đối với ắc quy Li-ion nói chung, người ta đã chứng minh được rằng dải nhiệt độ từ 50C - 450C là dải nhiệt độ hoạt động tối ưu. Dưới 50C dòng sạc cần phải được giảm xuống và khi nhiệt độ giảm xuống dưới 00C (nhiệt độ đóng băng) cần dừng ngay quá trình sạc.
Ngược lại, ở nhiệt độ cao hơn 450C hoạt động của ắc quy trở nên mạnh mẽ hơn, nghĩa là có có thể phóng hoặc nạp dòng điện lớn hơn dòng danh định (C). Tuy nhiên, cả 2 trường hợp (nhiệt độ quá thấp cũng như nhiệt độ quá cao) đều làm tăng nội trở ắc quy, do đó, nếu vẫn cố gắng sạc thì sẽ làm giảm tuổi thọ ắc quy.
Vùng nhiệt độ an toàn. Bảng 1 mô tả vùng làm việc an toàn của một số loại ắc quy.

Bảng 1. Vùng nhiệt độ làm việc của một số loại ắc quy

6. Các yêu cầu khi sử dụng ắc quy Li-ion
Từ các nhận xét trên, ta có thể rút ra một số yêu cầu cần chú ý khi sạc ắc quy Li-ion:
i) Tắt tất cả các thiết bị nuôi bởi ắc quy cần sạc. Khi đó, hệ thống đo dòng, áp sạc sẽ cho kết quả chính xác, phản ánh đúng các thông số quá trình sạc.
ii) Không nên sạc khi nhiệt độ môi trường quá thấp hoặc quá cao.
iii) Dừng sạc ngay khi bộ nhiệt độ ắc quy tăng cao bất thường
iv) Dừng sạc ngay khi dung lượng ắc quy đạt khoảng 90 - 99%. Như vậy sẽ tốt cho ắc quy hơn là sạc đến 100% hoặc hơn. Thông thường, các bộ sạc có đèn báo dung lượng và tự cắt khi dung lượng đạt mức 90 - 99%. Nếu không, người dùng cần theo dõi để cắt sạc. Điều này sẽ làm tăng tuổi thọ ắc quy.
v) Trước khi lưu trữ ắc quy không sử dụng trong một thời gian dài, nên sạc trước cho nó đến khoảng 40-50% dung lượng để tránh hiện tượng over-discharge vì ắc quy bị self-dischage.
vi) Không nên cố sạc ắc quy có sức điện động dưới 2,7V/cell (đã bị over-discharge) bằng các bộ sạc thông thường (chỉ có chế độ ổn dòng và ổn áp) mà phải dùng các bộ sạc chuyên dụng (hỗ trợ đầy đủ cả 4 chế độ: Pre-charge, Activation, Constant Current, Constant Voltage). q
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]     http://www.epa.gov/reg5oair/mobile/auto_emis.html
[2]     http://www.avere.org/www/staticAdminMgr.php?action=read&;menu=1270804868
[3]     http://www.intechopen.com/books/electric-vehicles-modelling-and-simulations/efficient-Sensorless-pmsm-drive-for-electric-vehicle-traction-systems
[4]     http://batteryuniversity.com/learn/article/charging_lithium_ion_batteries
[5]     http://www.eetimes.com/design/smart-energy-design/4376071/Implementing-battery-charger-using-Li-ion?pageNumber=0
[6]     http://www.buchmann.ca/article5-page1.asp
[7]     http://electronicdesign.com/article/power/keep-an-eye-on-temperature-trends-during-li-Ion-ba
[8]     Kazuma Kumai, Hajime Miyashiro, Yo Kobayashi, Katsuhito Takei, Rikio Ishikawa, “Gas generation mechanism due to electrolyte decomposition in commercial lithium-ion cell”, Journal of Power Sources, Volumes 81–82, September 1999, Pages 715-719
[9]http://batteryuniversity.com/learn/article/charging_at_high_and_low_temperatures
[10]     http://www.budgetbatteries.co.uk/knowledge-base/cell-balancing/
[11]     http://www.mpoweruk.com/chargers.htm
[12]     http://www.mpoweruk.com/bms.htm
[13]     M.F.M. Elias, A.K. Arof, K.M. Nor, “Design Of High Energy Lithium-Ion Battery Charger”, Australasian Universities Power Engineering Conference, 2004

Nguyễn Duy Đỉnh Bộ môn Tự động hóa, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Số 144 (12/2012)♦Tạp chí tự động hóa ngày nay

Thưởng tiền nếu phát hiện lỗi chip do Việt Nam thiết kế

Giải nhất giá trị 15 triệu đồng, giải nhì 10 triệu đồng và giải ba 5 triệu đồng sẽ được trao cho cá nhân, tập thể phát hiện lỗi, hoặc có ý kiến phản biện xác đáng về chip do một đơn vị trong nước thiết kế.

Thông tin này được đưa ra tại cuộc thi ứng dụng vi điều khiển Việt Nam lần thứ nhất do Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC), trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM phát động vào ngày 9/1.

Cụ thể, tất cả những người tham dự sẽ nhận chip SG-8V1 do ICDREC thiết kế để khai thác và ứng dụng vào các công việc cụ thể. Ngoài việc nhận chip, ban tổ chức cuộc thi sẽ cung cấp các phần cứng liên quan, tổ chức huấn luyện để những người tham gia không phải bỏ ra bất kỳ chi phí nào ngoài chất xám.

Tất cả công dân Việt Nam, kể cả người nước ngoài đều có thể tham gia cuộc thi ứng dụng chip
Tất cả công dân Việt Nam, kể cả người nước ngoài
đều có thể tham gia cuộc thi ứng dụng chip SG8V1

Giải nhất cho giải pháp ứng dụng 30 triệu đồng, giải nhì 20 triệu đồng và giải ba 10 triệu đồng.

Đây là cuộc thi nhằm hoàn thiện ứng dụng, phát hiện ra lỗi của chip SG-8V1 8 bit do ICDREC thiết kế, trước khi gởi đi chế tạo 150 nghìn chip tại hãng sản xuất bán dẫn TSMC của Đài Loan. Chip SG-8V1 thích hợp cho ứng dụng trong điều khiển tủ lạnh, máy điều hoà, quạt...

Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC cho biết, chip SG-8V1 có tính năng không thua kém bất kỳ chip nào có cùng tốc độ xử lý trên thế giới và giá cả cạnh tranh hơn. Hiện chip này được ứng dụng trong thiết bị quản lý hành trình (hộp đen) do một đơn vị trong nước chế tạo.

Chip SG-8V1 do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đầu tư kinh phí cho ICDREC nghiên cứu thiết kế trong giai đoạn 2008 - 2010.

Lego ra mắt bộ xếp hình MINDSTORMS EV3

Tại CES 2013, hãng sản xuất đồ chơi xếp hình nổi tiếng của Đan Mạch đã cho ra mắt bộ xếp hình thông minh Mindstorms EV3 của hãng. Đây là một bộ xếp hình dành cho các bạn trẻ thích lắp ghép và lập trình robot, ngoài ra nó cũng sẽ rất hấp dẫn đối với những ai thích robot. Mỗi bộ Mindstorms EV 3 sẽ bao gồm cáp, các Lego Technic, mô tơ, cảm biến và một "viên gạch lập trình " (programmable brick).

Hệ thống Mindstorms mới được vận hành bởi bộ điều khiển EV3 Intelligent Brick, với cấu hình gồm một chip ARM9 300 MHz, bộ nhớ 16MB, RAM 64MB và khả năng thực hiện nhiệm vụ không cần dựa vào máy tính như các phiên bản trước. Lego đã giới thiệu các bộ xếp hình Mindstorms kể từ năm 1998, nhưng EV3 là phiên bản đầu tiên có thể lập trình mà không cần máy tính.

Xem thêm: Lego ra mắt bộ xếp hình MINDSTORMS EV3

Chín tháng thai nghén cậu bé Roboy

Các nhà khoa học tại Phòng Thí nghiệm Trí óc Nhân tạo (AI Lab) thuộc trường Đại học Zurich đang ấp ủ kế hoạch chế tạo một chú Robot có vóc dáng tương đương với một cậu bé biết đi.

Chú robot mang tên Roboy này được khẳng định là sẽ thân thiện và đáng yêu hơn bất cả một mẫu robot nào trước đó. Nắm bắt được tâm lý của người dùng không muốn có một chú robot toàn sắt thép đi lại trong nhà, các nhà khoa học của AI Lab đã sử dụng công nghệ "robot mềm" để chế tạo Roboy. Công nghệ này sẽ mô phỏng cơ thể con người và "đắp" vào thân hình cao 1,2 mét của "cậu bé" Roboy này. Với công nghệ này, AI Lab cho rằng chủ nhân của Roboy sẽ rất thoải mái trong giao tiếp hàng ngày cùng chú robot này.

Cậu bé Roboy
Cậu bé Roboy

Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, các mô hình thiết kế cho thấy, Roboy không hoàn toàn đã có dáng vẻ đáng yêu. Thực tế, người ta có thể cảm nhận dáng vẻ của Roboy giống như một nhân vật nửa người nửa máy hay xuất hiện trong các bộ phim viễn tưởng, chứ không hẳn là một cậu bé kháu khỉnh. song, quá trình chế tạo chú người máy này vẫn đang được tiếp tục và các nhà thiết kế chắc chắn sẽ có những thay đổi phù hợp để cậu bé Roboy trở nên đáng yêu hơn.

 Một điều khá thú vị là thời gian để hoàn thành chế tạo cậu bé Roboy này sẽ là chín tháng, tương đương với thời gian thai nghén của một bà mẹ để mong chờ cho ra đời một cậu bé đáng yêu.

Các công đoạn chế tạo Roboy được bắt đầu từ hồi tháng 6 vừa qua với 15 thành viên dự án cùng 40 kỹ sư và nhà khoa học.

Những thành viên này góp công sức cả về chuyên môn khoa học cũng như gây dựng quỹ thông qua tài trợ và bán đấu giá các vị trí đặt logo trên mình cậu bé Roboy

Hệ thống xương của Roboy
Hệ thống xương của Roboy

Thực tế, Roboy được chế tạo dựa trên nền một dự án trước đó của AI Lab với sản phẩm là một người máy hung dữ mang tên Eccerobot.

Với chủ yếu chất liệu nhựa dẻo, Roboy được chế tạo mô phỏng hệ thống cơ người với độ thẩm mỹ cao. Thay vì sử dụng mô tơ chuyển động ở các khớp nối, Roboy sử dụng các mô-tơ tổng hợp kéo các dây cáp cao su, do vậy hệ thống này hoạt động theo cách tương tự như hệ thống cơ và dây chằng của con người.

AI Lab khẳng định hệ thống này sẽ giúp Roby chuyển động gần giống với con người nhất so với tất cả các thế hệ rôbốt hiện nay.

Trong thời gian tới, các nhà khoa học của dự án này sẽ nghiên cứu phát triển các công nghệ mới cho hệ thống "mắt" nhìn của Roboy, theo đó sẽ sử dụng công nghệ 3D.

"Trưng cầu dân ý" lựa chọn khuôn mặt cho Roboy
"Trưng cầu dân ý" lựa chọn khuôn mặt cho Roboy

Mục đích của dự án Roboy là nhằm tăng cường sự chấp thuận đối với các dịch vụ có sử dụng rôbốt bằng cách tăng thêm sự thân thiện của các chú rô bốt khi có mặt ở xung quanh con người.

Hiện, Roboy đang trong quá trình được lựa chọn khôn mặt thông qua một cuộc "trưng cầu dân ý" trên mạng xã hội Facebook.

Về công đoạn chế tạo, Roboy hiện đã có thể cử động các cánh tay của mình và sẽ sớm được phủ lên một lớp da mềm. Dự kiến, Roboy sẽ lần đầu tiên xuất hiện trước "công chúng" trong cuộc triển lãm mang tên “Robots on Tour” vào ngày 9/3/2013 nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập AI Lab.

Theo Báo Đất Việt

Hệ thống quản lý và giám sát điện năng của ECAPRO

Hệ thống quản lý và giám sát điện năng của ECAPRO đem lại nhiều lợi ích to lớn cho người sử dụng, như giảm chi phí nhân lực, tăng mức độ tin cậy trong quá trình thu thập dữ liệu, kiểm soát dữ liệu 24/7, giảm thời gian xử lý sự cố.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, giám sát điện năng là yếu tố vô cùng quan trọng và càng quan trọng hơn trong sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Bài toán đặt ra cho các nhà quản lý là làm sao quản lý tòa nhà và nhà máy, xí nghiệp hiệu quả nhất để giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng ở mức tối đa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong những hoạt động kinh doanh. Phương án tối ưu hiện nay là thiết lập hệ thống tự động hóa quản lý và giám sát tự động từ xa.

Tổng quan về hệ thống:

Chức năng quản lý và giám sát toàn bộ hệ thống điện của tòa nhà hay khu công nghiệp giúp nâng cao hiệu quả công trình, hiện đại hoá, tiết kiệm điện năng tiêu thụ, bảo vệ môi trường.

Hệ thống thực hiện việc giám sát hệ thống điện qua thiết bị theo dõi các thông số kỹ thuật chính của nguồn điện như: kW; kVA; kVAr... Đây là những thông số cần được giám sát chặt chẽ vì có ảnh hưởng rất lớn tới việc vận hành tất cả thiết bị sử dụng điện của tòa nhà hay công nghiệp. Quản lý tốt các tham số này đồng nghĩa với việc giảm chi phí vận hành của tòa nhà, nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị.

Các tham số đều được đo bằng bộ đo đếm điện năng kỹ thuật số nối mạng, thể hiện thông số trên màn hình máy tính, lưu trữ dữ liệu và giám sát từ xa qua mạng Internet. Phần mềm web được nhúng trong thiết bị cho phép người quản lý có thể xem các tham số được thể hiện trực quan với nhiều hình thức như thể hiện dạng đồng hồ số điện, dạng bảng số liệu, dạng đồ thị thời gian. Người sử dụng có thể chiết xuất các cơ sở dữ liệu theo ngày, tháng năm.

Hệ thống cho phép giám sát điện năng của nhiều điểm khác nhau với khoảng cách các điểm tới 1Km; thiết lập các cảnh báo như quá tải, quá giờ chạy thiết bị, cảnh báo mất phase và cảnh báo các hệ số khác, đồng cho phép giám sát các thông số khác như nhiệt độ, áp suất...

 

Lợi ích đem lại khi sử dụng hệ thống giám sát điện năng của ECAPRO:

  • Giảm thời gian, chi phí nhân công để ghi lại dữ liệu từ các đồng hồ cơ, nhập vào file excel tạo báo cáo mỗi tháng.
  • Giảm được sơ sót trong quá trình thu thập dữ liệu bằng tay, tăng độ chính xác trong do lường.
  • Kiểm soát dữ liệu điện năng liên tục 24 giờ /7 ngày tại bất kỳ nơi đâu.Khả năng đáp ứng nhanh với bất kỳ sự cố điện nào thông qua các cảnh báo, giảm được thời gian dừng máy.
  • Giảm thời gian xử lý sự cố do dữ liệu được thu thập đầy đủ, chụp được dạng sóng của nguồn điện khi sự cố xảy ra.Ngăn ngừa khả năng bị điện lực phạt do có phi thấp nhờ các báo động.
  • Theo dõi toàn tải của nhà xưởng theo thời gian thực, hữu ích cho việc lên kế hoạch tiết kiệm.
  • Có khả năng tạo các báo cáo về điện năng tiêu thụ ở dạng bảng, dạng đồ thị, xuất ra file Excell.
  • Kiểm tra hóa đơn điện lực thông qua báo cáo về năng lượng sử dụng.
  • Xác định các nhiễu, sóng hài là do nguồn điện lực xông vào hay do các thiết bị của nàh máy gây ra.
  • Giảm thời gian xác định nguyên nhân.
  • Duy trì mức tải cho thiết bị hợp lý, tránh trường hợp non hay quá tải.
  • Đưa ra quyết định đầu tư cho các thiết bị tiết kiệm năng lượng hơn.