Thất nghiệp cựu sinh viên tiếp tục đi học: giải pháp đánh cược với việc làm

04 17 2013

Tốt nghiệp càng nhiều, thất nghiệp càng cao

Chưa bao giờ nền giáo dục Việt Nam lại chứng kiến sự bùng nổ nhều trường đại cao đẳng đến vậy và cũng chưa bao giờ nền kinh tế nước ta lại đối mặt với nhiều doanh nghiệp đăng ký xin giải thể như lúc này. Theo ước tính ở nước ta hiện nay có khoảng 500 trường đại học cao đẳng chưa tính các cơ sở nước ngoài ưliên kết đào tạo tại Việt Nam.

Điều này cho thấy mỗi năm có khoảng hơn 2 triệu sinh viên được đào tạo ra trường, trong khi đó con số công bố tại một diễn đàn vào giữa tháng 12/2012 cho thấy có khoảng 55.000 doanh nghiệp giải thể trong năm này đã khiến cho tình hình thất nghiệp trở nên lớn hơn nhiều năm qua. Theo số liệu khảo sát của nhóm giảng viên, sinh viên khoa Xã hội học trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội cho thấy khoảng 26,3% sinh ra trường tìm kiếm được việc làm trong tình hình kinh tế khó khăn còn lại đang thất nghiệp hoặc đang làm những việc trái với ngành nghề mình được học. Mặc dù Chính phủ đang có nhiều chính sách nhằm giải cứu các doanh nghiệp nhưng theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW nhận định: Nền kinh tế Việt Nam sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn trong năm 2013 vì cơn suy thoái kinh tế thế giới đang diễn ra phức tạp.

Bằng cao, nhiều bằng có tăng cơ hội việc làm?

Trước khó khăn suy thoái kinh tế nhiều tân kỹ sư ra trường không tìm được việc làm đã lựa chọn học thêm văn bằng hai các ngành khác hoặc ôn thi cao học. Trần Quốc Hùng quê Đức Thọ, Hà Tĩnh vừa tốt nghiệp Trường ĐH Công Nghiệp Hà Nội hiện chưa tìm được việc làm tâm sự: Em tốt nghiệp ngành Cơ điện tử nộp hồ sơ một số nơi, phỏng vấn rồi nhưng chờ mãi không thấy công ty gọi đi làm. Hùng nộp thêm một số doanh nghiệp khác nhưng cũng không thấy hồi âm nên quyết đi học thêm văn bằng hai về quản trị kinh doanh mong dễ xin việc hơn.

Cũng theo lời Hùng, cùng lớp đại học với em hiện chỉ ¼ xin được việc làm còn lại đang thất nghiệp. Nhiều người thấy học ra mà không kiếm việc nên hầu hết chuyển học thêm văn bằng hoặc thi tuyển lên cao học. Tuy nhiên việc học đại học đã tiêu tốn khoản khá lớn không biết học thêm một bằng nữa liệu cơ hội xin việc có dễ hơn không? Hay lại là món nợ thứ hai trút lên vai bố mẹ.

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty Thiết bị và công nghệ Minh Long bày tỏ quan điểm: Học nhiều bằng chưa hẳn đã có cơ hội việc làm nhiều hơn vì hiện nay số lượng doanh nghiệp cần tuyển rất ít. Mặt khác do khó khăn chung của nền kinh tế nên số doanh nghiệp bị giải thể khá nhiều, số lượng người lao động có kinh nghiệm từ thực tế ở các doanh giải thể đó sẽ có ưu thế hơn so tân kỹ sữ vừa chân ướt chân ráo ra trường. Hơn nữa xu hướng hiện nay các chủ doanh nghiệp không cần người có bằng cấp cao mà cần những người làm được việc nên sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường khó đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Cũng theo lời ông Nguyễn Văn Cường, sinh viên đang ngồi trên nghế nhà trường cần học tin học, ngoại ngữ, các kỹ năng mềm khác vì đây là chìa khóa có cơ hội việc làm hơn.

Nguyễn Thu Hồng tốt nghiệp Đại học Đông Đô chuyên ngành Kế Toán tâm sự: Tốt nghiệp ba năm nay nhưng em chưa xin được việc đúng chuyên ngành mình học, về quê thì chẳng biết làm gì nên xin làm tạp vụ cho một công ty tranh thủ học thêm bằng đại học nữa. Nhưng học xong có xin được việc làm khác không Hồng vẫn chưa chắc!

Còn theo TS. Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Cơ điện Nông Nghiệp, kiêm Trưởng phòng hành chính nhân sự- Bộ Nông Nghiệp chia sẻ: Hiện nay việc tuyển nhân sự chúng tôi không đặt nặng vấn đề bằng cấp, học trường nào, có nhiều bằng nhiều chứng chỉ mà cho mọi ứng cử viên cơ hội như nhau thể hiện năng lực của mình vào thực tiễn công việc cụ thể. Ai thể hiện mình là người làm công việc được giao tốt nhất, người đó xứng đáng được tuyển dụng. Chúng tôi là ngành đặc thù về máy móc, kỹ thuật nông nghiệp cho nên ai không có niềm yêu thích, năng lực thực sự thì chắc chắn chính họ sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi.

Chưa bao giờ nước ta vấn đề việc làm lại nóng đến thế. Nếu trước đây thất nghiệp chủ yếu xảy ra ở người chưa qua đào tạo nay con số ấy lại ngược lại. Để giải quyết vấn đề này không hề đơn giản vì trong lúc đang chờ những giải pháp đột phá từ cơ quan quản lý thì quan niệm nhiều bằng hơn một nghề giỏi vẫn ăn sâu vào tiềm thức của khá nhiều bạn trẻ.

Bài ảnh: Trần Đức Anh Hoàng

Số 146 (3/2013)♦Tạp chí tự động hóa ngày nay